Bình Định siết việc thực hiện chống khai thác IUU

0:00 / 0:00
0:00
TP - Từ đầu năm 2024 đến nay, trước tình hình tàu cá Bình Định còn vi phạm vùng biển nước ngoài, các cấp, ngành trong tỉnh nỗ lực ra quân siết chặt việc khai thác, quyết tâm gỡ cảnh báo “thẻ vàng”.

Giám sát chặt tàu hoạt động ngoại tỉnh

Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định vừa yêu cầu các cơ quan liên quan, địa phương ven biển trong tỉnh nghiêm túc triển khai các nhiệm vụ chống khai thác trái phép trên vùng biển nước ngoài (IUU). Cụ thể, giao Sở NN&PTNT khẩn trương rà soát, khoanh vùng, lập danh sách tàu cá có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài, đặc biệt là các tàu cá có chiều dài dưới 15m thường xuyên di chuyển ngư trường các tỉnh phía Nam; cử đoàn công tác phối hợp với Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) tiếp hành lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (GSHT) đối với loại tàu cá này. Đồng thời thông báo cho ngư dân biết về chính sách hỗ trợ lắp đặt thiết bị GSHT trên tàu cá để triển khai thực hiện.

Bình Định siết việc thực hiện chống khai thác IUU ảnh 1

BĐBP tỉnh Bình Định kiểm tra, giám sát tàu cá trên biển. Ảnh: Công Cường

Đoàn công tác sẽ làm việc với chính quyền các tỉnh phía Nam đề nghị hỗ trợ, phối hợp quản lý số tàu cá này, chỉ cho xuất bến đối với tàu đã lắp đặt thiết bị GSHT. Khẩn trương đề xuất chính sách chuyển đổi nghề khai thác thủy sản và xả bản tàu cá đối với nhóm tàu làm ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản, môi trường, hệ sinh thái và nhóm tàu cá cũ có chiều dài 12m đến dưới 15m hoạt động nghề câu mực thường xuyên hoạt động ở các tỉnh phía Nam có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài.

Theo Chi cục Thủy sản Bình Định, tính đến 5/2024 toàn tỉnh có 5.314 tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên được đăng ký, trong đó có 5.000 tàu được cấp giấy phép khai thác thủy sản. Có tới 215 tàu cá của tỉnh có chiều dài từ 12 đến dưới 15m hoạt động nghề câu mực thường xuyên hoạt động ở các tỉnh phía Nam, hàng năm không về địa phương (Bà Rịa-Vũng Tàu 177 tàu, Tiền Giang 7 tàu, Ninh Thuận 1 tàu, Kiên Giang 3 tàu, Khánh Hòa 7 tàu, Cà Mau 2 tàu, Bình Thuận 18 tàu). Đây chính là nhóm tàu cá có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài, được thể hiện qua con số tàu cá bị nước ngoài bắt giữ từ đầu năm đến nay.

Nghiên cứu xử lý hình sự

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định giao Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng liên quan khẩn trương điều tra, xử lý triệt để các trường hợp khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài từ năm 2023 đến nay. Các trường hợp đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì cương quyết xử lý theo quy định. Bên cạnh đó, chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xử lý hình sự một số vụ việc điển hình nhằm lập lại trật tự, kỷ cương trong lĩnh vực khai thác hải sản trên các vùng biển xa.

Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Trong đó, tập trung tuyên truyền về Nghị định số 38/2024/NĐ-CP ngày 5/4/2024 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản. Yêu cầu các địa phương ven biển ngoài công tác tuyên truyền cần chỉ đạo theo dõi, truy cập dữ liệu hệ thống giám sát tàu cá để phối hợp xử lý các trường hợp vi phạm của tàu cá địa phương theo chức năng, thẩm quyền được giao; phối hợp với các đơn vị có liên quan xử lý tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, tàu cá vượt ra ngoài ranh giới vùng biển tự do đánh bắt; tàu cá bị mất tín hiệu kết nối trên biển sau khi tàu trở về bờ theo quy định của pháp luật…

Cũng theo Chi cục Thủy sản Bình Định, đối với các tàu cá bị nước ngoài bắt giữ, UBND tỉnh đã xử phạt vi phạm hành chính 2 tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài với số tiền 1 tỷ 804 triệu đồng. Các trường hợp vi phạm còn lại, giao Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh phối hợp với các sở ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển tiến hành xác minh, củng cố hồ sơ xử lý nghiêm; tiến hành thu hồi giấy phép khai thác thủy sản của tất cả các tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt; không cho chủ tàu cá có tàu bị bắt được đóng mới, đăng ký tàu cá mới; không cho hỗ trợ các chính sách về thủy sản đối với chủ tàu cá có tàu bị nước ngoài bắt giữ.

UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức kiểm điểm trách nhiệm chủ tàu, thuyền trưởng các tàu cá vi phạm cũng như kiểm điểm trách nhiệm cá nhân của lãnh đạo UBND xã, UBND huyện, thị xã, thành phố có tàu cá vi phạm, bị nước ngoài bắt…

Tính từ đầu năm 2024 đến ngày 24/5, tỉnh Bình Định có 8 tàu cá bị lực lượng chức năng Malaysia bắt giữ. Cả 8 tàu này đều có chiều dài dưới 15m, hành nghề câu mực, xuất bến ngoài tỉnh (Vũng Tàu: 7 tàu; Kiên Giang: 1 tàu).

MỚI - NÓNG
CLB Bóng đá Hà Nội, hoa hậu Đỗ Mỹ Linh cùng Tiền Phong thăm viếng gia đình nạn nhân tử vong tại cầu Phong Châu, Phú Thọ
CLB Bóng đá Hà Nội, hoa hậu Đỗ Mỹ Linh cùng Tiền Phong thăm viếng gia đình nạn nhân tử vong tại cầu Phong Châu, Phú Thọ
TPO - Chiều 19/9, đoàn thiện nguyện báo Tiền Phong cùng Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh, BLĐ CLB Bóng đá Hà Nội, các cầu thủ đã trao số tiền ủng hộ 55 triệu đồng, hỗ trợ bà con bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 tại tỉnh Phú Thọ. Đoàn cũng đã đến thăm, chia sẻ với gia đình có 2 nạn nhân tử vong trong vụ sập cầu Phong Châu vừa qua.